image banner
Di tích – Danh thắng

NHỮNG DI TÍCH LỊCH SỬ - VĂN HÓA TIÊU BIỂU

Ở PHƯỜNG KHÁNH HẬU

-------

 

     I. Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia - Lăng mộ Nguyễn Huỳnh Đức

     II. Di tích lịch sử cấp Tỉnh

  1. - Di tích lịch sử - văn hóa Đình Khánh Hậu

     III. Những công trình văn hóa:

  1. - Cây Trôm mõ (Cây Di sản Việt Nam)
 

     I. Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia - LĂNG MỘ NGUYỄN HUỲNH ĐỨC:   

lm1.jpg                    

     Cách thành phố Tân An 3,5 km về phía Tây, Lăng Nguyễn Huỳnh Đức là một trong những kiến trúc cổ nhất ở Long An còn tồn tại gần như nguyên vẹn cho đến nay. Đây là một quần thể kiến trúc bao gồm các công trình chính như: cổng, lăng mộ, đền thờ Kiến Xương Quận công Nguyễn Huỳnh Đức, một công thần của Triều Nguyễn.

     Khu di tích đền thờ và lăng mộ Tiền quân Nguyễn Huỳnh Đức tọa lạc tại khu phố Giồng Dinh, phường Khánh Hậu, thành phố Tân An. Quần thể di tích gồm: đền thờ, lăng mộ và nhà trưng bày tư liệu.

     Khuôn viên Lăng Nguyễn Huỳnh Đức có diện tích hơn 3.000 m², được giới hạn bởi tường rào, có cổng tam quan mở về hướng Đông, trên cổng đắp nổi dòng chữ "Tiền quân phủ". Lăng Tiền quân Nguyễn Huỳnh Đức được xây dựng năm 1817 (trước khi ông mất) bằng đá ong, đá vữa tam hợp theo hướng Bắc - Nam. Lăng được xây dựng theo lối cổ, đăng đối nghiêm nhặt có vòng thành hình chữ nhật dài 35m, rộng 19m, cao 1,2m, dày 0,4m bao quanh. Án ngữ lối vào mộ ở phía Bắc tường thành là bình phong đá ong cao 3m có đắp nổi hoa văn mai lộc. Từ bình phong có đường thần đạo dài 17m dẫn đến phần chính của mộ gồm: biểu thành, các trụ biểu, 02 bình phong và bia mộ. Trên 02 bình phong có khắc 02 bài văn tế Nguyễn Huỳnh Đức của vua Gia Long và Trấn thủ Định Tường Nguyễn Văn Phong. Toàn bộ ngôi mộ được trang trí hoa văn rồng, hoa lá, mặt trời, mây, hoa sen và nhiều câu đối chữ Hán. Nổi bật trong bia mộ được tạc bằng đá Non Nước cao 1,56m, rộng 0,95m được mang vào từ Huế, chạm nổi hoa văn tinh xảo hình mặt trời, hoa lá hóa rồng ở hai bên trán bia; diềm bia trang trí chạm nổi hình hoa cúc dây, hoa mai; trung tâm bia mộ đề "Việt Cố Khâm Sai Gia Định Thành Tổng Trấn, Chưởng Tiền Quân, Tặng Thôi Trung Dực Vận Công Thần, Phụ Quốc Thượng Tướng Quân, Thượng Trụ Quốc, Thái Phó Nguyễn Huỳnh Quận Công Chi Mộ". Mặt bia có dòng chữ Hán ghi những chức vụ quan trọng của ông trong triều Nguyễn. Phía sau bia là nơi chôn cất thi hài Nguyễn Huỳnh Đức với một nắm mộ phẳng dài 3,4m, rộng 2,7m, cao 0,3m. Xung quanh mộ là những cây sứ cổ thụ tỏa hương ngào ngạt tạo nên vẻ thâm nghiêm cho nơi an nghỉ của một đại thần khai quốc. Nói chung, Lăng mộ Nguyễn Huỳnh Đức được xây dựng theo lối kiến trúc đầu đời Nguyễn: giản dị mà hùng tráng.

     Cách mộ 20m về phía Nam là đền thờ Nguyễn Huỳnh Đức. Từ năm 1819 đến năm 1959, gia tộc thờ ông trong một ngôi nhà xưa do vua Gia Long sai người dựng cách ngôi mộ khoảng 500m. Vào năm 1959, để tiện cho việc thờ cúng, gia tộc đã xây dựng ngôi đền mới này theo kiểu tứ trụ, 2 tầng mái, cửa sổ trông ra hướng Đông. Ngay sau cửa chính đền thờ có đặt hương án chạm rồng, phụng, hoa lá sơn son thếp vàng, phía trên có bức họa truyền thần Tiền quân Nguyễn Huỳnh Đức được vẽ năm 1802. Phía sau hương án có bộ ván độc mộc dài 3,3m, rộng 1,8m, dày 0,14m có niên đại hơn 300 năm vốn là di vật của người đã khuất. Trong cùng là bàn thờ chính với khánh thờ đặt trên hương án và chiếc hộp sơn son đựng 8 bản chiếu, chỉ, khế, sắc của các triều vua Gia Long, Minh Mạng, Tự Đức phong tặng cho Tiền quân Nguyễn Huỳnh Đức. Bên trong đền thờ còn bố trí 3 bộ lễ bộ, tàn lọng và 4 cặp liễn đối - ca ngợi sự nghiệp của Tiền quân Nguyễn Huỳnh Đức do vua Gia Long ngự ban. Ngoài ra, những hiện vật cổ có niên đại thế kỷ XVIII và XIX còn được lưu giữ trong đền thờ như: Đoản kỷ vua Xiêm tặng năm 1798, Khánh lệnh đồng vua Gia Long tặng năm 1819, Bức hoành "Vạn lý danh" vua Tự Đức tặng năm 1854…

     Phía sau đền thờ là ngôi chánh diện, lợp ngói lưu ly xanh được gia tộc xây dựng năm 2000 theo bản vẽ của kiến trúc sư Nguyễn Bá Lăng (nguyên Viện trưởng - Viện khảo cổ Sài Gòn).

      Trước đây vào năm 1972, gia tộc đã cho xây dựng 2 cổng lớn ở 2 đầu con đường vòng cung dẫn vào Lăng với thiết kế giống nhau theo kiểu cổng tam quan truyền thống. Trên cổng có hàng chữ Hán "Tiền quân phủ" và "Lăng Nguyễn Huỳnh Đức" bằng đồng. Nhìn từ xa, cổng lăng toát lên vẽ đường bệ, uy nghi như chào đón khách tham quan.

      Trong dân gian và sử sách, cuộc đời của Tiền quân Nguyễn Huỳnh Đức đã trở thành huyền thoại. Ông có tên thật là Huỳnh Tường Đức, sinh năm 1748 tại làng Tường Khánh, huyện Kiến Hưng (nay là phường Khánh Hậu, thành phố Tân An) trong một gia đình võ tướng đã 3 đời. Ông theo phò Nguyễn Ánh từ năm 1780 lập nhiều công trạng lớn, được ban họ vua và giữ nhiều chức vụ quan trọng như: Chưởng Hậu Quân, Chưởng Tiền Quân, Tổng trấn Gia Định Thành, Tổng trấn Bắc Thành, Tước Quận Công. Tương truyền ông là người trung can, nghĩa khí, võ nghệ cao cường, mọi người đều gọi là "Hổ tướng". Ông mất vào ngày 09/9/1819, được dân gian xem như một vị thần. Hàng năm, vào 3 ngày 7, 8, 9 tháng 9 âm lịch, nhân dân trong vùng tề tựu cùng gia tộc làm lễ cúng ông hết sức trọng thể. Truyền thống này đã được kế tục từ năm 1819 cho đến nay.

     Đến tham quan di tích Lăng Nguyễn Huỳnh Đức chúng ta được chiêm ngưỡng nghệ thuật kiến trúc lăng mộ đầu đời Nguyễn và những cổ vật quý giá cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX. Ta còn biết đến cuộc đời và sự nghiệp của một "Hổ tướng" lừng danh đất Ba Giòng và cũng là người có công khai phá Giòng Cái Én (Khánh Hậu), được nhân dân tôn thờ như một vị thần.

      Với những ý nghĩa ấy, ngay từ đầu thế kỷ XX, chính quyền thuộc địa đã xếp loại Lăng Nguyễn Huỳnh Đức là 01 trong 404 cổ tích ở Đông Dương. Bộ Văn hóa - Thông tin nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ra Quyết định công nhận Lăng mộ Nguyễn Huỳnh Đức là di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia ngày 11/5/1993. Di tích hiện nay trở thành địa điểm tham quan nghiên cứu kiến trúc cổ của du khách trong nước và ngoài nước khi đến Long An.                                                   

     II. DI TÍCH LỊCH SỬ CẤP TỈNH:                                         

     Di tích lịch sử - văn hóa Đình Khánh Hậu:

DKH.jpg 

     Di tích lịch sử - văn hoá Đình Khánh Hậu toạ lạc tại khu phố Quyết Thắng 2, phường Khánh Hậu, thành phố Tân An, tỉnh Long An. Là ngôi đình làng thờ thần Thành Hoàng bổn cảnh, được xây dựng vào khoảng đầu thế kỷ XIX. Cũng như những ngôi đình làng khác ở Nam Bộ, Đình Khánh Hậu là ngôi đình cổ, là chứng tích của quá trình khai hoang, mở đất xây dựng quê hương của người Việt trên vùng đất Khánh Hậu, thành phố Tân An ngày nay. Từ khi thành lập đến nay, đình là nơi đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng và sinh hoạt cộng đồng của cư dân nơi đây; thông qua các lễ hội là dịp để nhân dân địa phương cố kết cộng đồng, nâng cao tinh thần yêu quê hương đất nước. Bên cạnh đó, đình còn mang giá trị lịch sử vì nơi đây là địa điểm thành lập, huấn luyện và xuất phát của lực lượng Thanh niên Tiền phong tham gia khởi nghĩa cướp chính quyền địch tại tỉnh Tân An trong cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

    Đình có tổng diện tích là 726,3 m2, trong đó sân đình rộng 300 m2. Kiến trúc đình gồm hai phần: ngôi chính và ngôi phụ. Ngôi chính có diện tích 270 m2, kết cấu kiểu tứ trụ hình chữ tam, gồm 03 dãy liền nhau, mỗi dãy có 12 cột gỗ xưa còn lại được dùng làm khung sườn. Mái đình lợp bằng ngói âm dương, nóc trang trí mảnh gốm cẩn cách điệu vân (mây), hai con nghê bằng sành, cẩn đắp nổi đề tài lưỡng long chầu nguyệt. Bên trong đình là chánh điện, nơi trang trọng nhất được bố trí bàn thờ Thần, tất cả đều được bày trí hoa văn rất đẹp và sắc sảo, có nhiều câu đối, hoành phi viết bằng chữ Hán sơn son thếp vàng. Ngôi phụ có diện tích 156,3 m2, kiến trúc được xây dựng theo kiểu Nhà rội (nọc ngựa). Bên trong bố trí nhiều bàn thờ Tiền vãng, Tiên sư và một số vị thần linh và được trang trí bằng nhiều hoa văn đặc sắc. Đặc biệt, nơi đây còn lưu giữ 06 sắc thần do vua Thiệu Trị và vua Tự Đức sắc phong vào các năm 1845, 1850.

     Cách bố trí bàn thờ thần Thành Hoàng và hệ thống bàn thờ xung quanh bàn thờ thần trong Đình Khánh Hậu mang tính chính thống và phổ biến của người Việt ở Nam Bộ. Thần Thành Hoàng trong tâm thức người dân nơi đây là Thành Hoàng Bổn Cảnh với ý nghĩa đây là vị thần của cộng đồng cư dân địa phương này, nó đồng hoá và gần gũi với anh linh những thế hệ đi trước có công mở đất, lập làng, dựng ấp (Tiền hiền khai khẩn); những người có công xây dựng các công trình phúc lợi đầu tiên của cộng đồng như mở trường, lập chợ, đắp đường giao thông (Hậu hiền khai cơ); những bậc thầy dạy nghề cho dân chúng trong làng từ buổi đầu lập làng cho đến nay (Tiên sư), cũng như bao gồm các hồn thiêng của các anh hùng, liệt sĩ đã hoá thân cùng khí thiêng sông núi và cả các thần thánh thiêng liêng đang ngự trị tại vùng đất mới. Cũng như bao ngôi đình khác ở Nam Bộ đều có mục đích thờ cúng các vị thần đã có công phò trợ đất nước, che chở, giúp đỡ cho người dân được an cư lạc nghiệp. Hàng năm, tại Đình Khánh Hậu đều tổ chức cúng 04 lễ hội quan trọng là: lễ Chạp Miễu Ức vào ngày 15-16 tháng 12 âm lịch, lễ Cầu An vào ngày 15-16-17 tháng 4 âm lịch, lễ Hạ Điền vào ngày 16 tháng 6 âm lịch và lễ Thượng Điền vào ngày 16 tháng 10 âm lịch với sự tham dự của chính quyền địa phương và đông đảo quần chúng nhân dân.

     Đình Khánh Hậu là một ngôi đình cổ của thành phố Tân An nói riêng và của Nam bộ nói chung, mang dấu ấn của quá trình khai hoang mở đất, lập làng của cư dân người Việt ở vùng đất phương Nam. Đây là một thiết chế văn hoá làng xã truyền thống với đối tượng thờ trong đình là thần Thành Hoàng, là nơi bảo lưu những giá trị văn hoá truyền thống, trung tâm sinh hoạt văn hoá của làng Khánh Hậu trong quá khứ, hiện tại và cả tương lai. Nơi đây hiện còn lưu giữ 06 sắc thần của vua Thiệu Trị và vua Tự Đức phong tặng cho làng, đây là những cổ vật quý, có giá trị lịch sử và tư liệu, chứng minh sự quản lý của nhà nước phong kiến đối với bộ máy tự quản làng xã, có giá trị trong việc nghiên cứu văn hoá phong kiến và cổ văn Hán tự. Đây còn là địa điểm lịch sử trong cuộc đấu tranh cách mạng, là cơ sở thành lập, hoạt động và xuất phát của lực lượng Thanh niên Tiền phong Tân An vào thời điểm khởi nghĩa giành chính quyền Tháng Tám năm 1945 ở tỉnh Tân An.

     Ngày 02/12/2010 UBND tỉnh Long An ra Quyết định số 3512/QĐ-UBND công nhận Đình Khánh Hậu di tích lịch sử - văn hoá cần được bảo vệ, giữ gìn, tôn tạo và phát huy tác dụng trong việc giáo dục truyền thống lịch sử của địa phương, giáo dục lòng yêu quê hương, đất nước của các thế hệ người dân trong hiện tại và tương lai.

 

     III.  CÔNG TRÌNH VĂN HÓA:

      Cây Trôm mõ (Cây Di sản Việt Nam):

     Ngày 04/10/2016, Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam ra Quyết định số 408/QĐ-HMTg "về việc công nhận Cây Di sản Việt Nam".

      Công nhận cây Trôm mõ có tên khoa học Sterculia foetida L. tại Chùa Diệu Quang, số 213, đường Lương Văn Chấn, phường Khánh Hậu, thành phố Tân An, tỉnh Long An là Cây Di sản Việt Nam.

      Là cửa ngõ đồng bằng sông Cửu Long, Tân An đã ghi dấu nhiều chiến công oanh liệt trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc. Mỗi địa danh, mỗi nẻo đường nơi đây dường như đều gắn liền với chặng đường phát triển của lịch sử tỉnh nhà nói chung, đặc biệt là lịch sử Cách mạng của thành phố Tân An nói riêng. Mỗi di tích, mỗi địa danh nổi tiếng trên đất Tân An đều mang vẻ đẹp, sắc thái riêng và ẩn chứa những câu chuyện ý nghĩa. Đây được xem như một phần của những trang sử hào hùng được viết nên bởi các thế hệ đi trước mà thế hệ trẻ Tân An ngày nay có quyền tự hào và trân trọng gìn giữ cho muôn đời sau./.

 

image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tháng: 1
  • Tất cả: 1
Thư viện ảnh